Tỉ lệ người mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán là 63,6%.

09:54 - Thứ Ba, 15/11/2022 Lượt xem: 7204 In bài viết

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người. Quan ngại hơn, tỉ lệ người bệnh trong cộng đồng không được chẩn đoán hiện ở mức cao là 63,6%.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi thì có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm đái tháo đường.

Theo số liệu điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, một vấn đề quan ngại nữa đó là tỉ lệ người bệnh đã mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán hiện ở mức cao là 63,6%.

PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam cho biết: "Đái tháo đường vẫn đang còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Gánh nặng này kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống y tế, cho nhân viên y tế và cho cả bệnh nhân cùng gia đình của họ".

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Kết quả điều tra tại nước ta có hơn 55% bệnh nhân mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết: Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) và ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng I-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh đái tháo đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top